6 món ngon với bì bạn không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn

Cơm tấm, bún bì, bánh tầm bì... đều có nguyên liệu là những cọng bì thơm, béo.


Cơm tấm là món ăn đặc trưng của Sài Gòn. Cơm được nấu từ gạo gãy (tấm), ăn kèm sườn nướng, bì, chả, nước mắm chua ngọt. Bạn có thể tìm thấy cơm tấm tại các con đường lớn nhỏ vào mỗi sáng, tối. 


Cơm bì: Cũng ăn kèm cơm nấu từ gạo gãy, nhưng phần lớn thực khách chọn cơm bì phần lớn do yêu thích vị thơm ngon, giòn của một trong những món ăn lâu đời miền Nam. 


Bún bì: Tại TP HCM, số lượng quán bán món ăn này không nhiều. Được yêu thích nhất là gánh bún bì chợ Bàn Cờ (quận 3). Một tô bún bì có giá 30.000 đồng. Quán bán từ 11h hàng ngày.


Bún nem nướng: Sự có mặt của bì giúp món bún dễ ăn và được lòng thực khách hơn. Bạn có thể thưởng thức món bún này ở bún thịt nướng Bà Tám đường Võ Văn Tần, Bánh bèo Quơ đường Lê Văn Sỹ, quận 3.


Bánh tằm bì là món ăn của người miền Tây, có sự hòa quyện giữa vị mặn của nước mắm và vị ngọt béo của nước cốt dừa. Sự kết hợp khác thường của món ăn khiến ai lần đầu thưởng thức cũng e ngại, song khi quen, lại nghiền.


Bánh bèo hay bánh thập cẩm (bánh bèo, bánh ít trần...) của người Nam ngoài ruốc tôm còn có nước cốt dừa, bì, giá, dưa leo, rau thơm... Sự kết hợp này mang đến trải nghiệm lạ cho món ăn. Bạn có thể thưởng thức bánh bèo, bánh thập cẩm có bì tại quán cô Nhunh đường Châu Văn Liêm (gần ngã ba Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi), quận 5.


Bì cuốn không tạo được ấn tượng mạnh về màu sắc hay nguyên liệu, song ai từng thưởng thức đều nhớ độ giòn nhẹ của bì, tươi ngọt của rau.


Bánh mì bì chỉ có ba thành phần là bánh mì, bì và nước mắm. Thành phần đơn giản nhưng để có món ăn ngon không dễ. Bạn phải chăm chút bì thơm, giòn còn nước mắm phải có độ sánh, vị không ngọt, không mặn.

Công thức làm chè bưởi ngon giòn tại nhà

Có nhiều vô cùng các loại chè nhưng có lẽ món chè bưởi là món chè hấp dẫn được nhiều người. Bởi sự giòn thơm cùi bưởi, thơm thảo đậu xanh cùng cốt dừa bùi béo quyện vào nhau tạo nên món chè bưởi dân dã mà ngon miệng. Chè bưởi quả thật rất giản dị, gần gũi nhưng không hẳn là dễ chế biến. Để thành công món này, cùi bưởi phải được khử đắng hoàn toàn, nếu còn đắng thì hẳn sẽ làm hỏng cả một nồi chè.


Bên cạnh làm các món ăn chính trong bữa ăn, bạn hãy làm thêm món tráng miệng thật hấp dẫn với công thức nấu chè bưởi cho cả gia đình thưởng thức nào!

Nguyên vật liệu chuẩn bị:
  • Cùi 1 quả bưởi
  • 200g đậu xanh
  • Nước cốt dừa
  • Muối, đường, bột năng
  • Nước hoa bưởi (tùy thích)
Công thức làm chè bưởi:

Bước 1: Bạn ngâm đậu xanh trong nước khoảng 30 phút rồi vớt ra rổ để ráo nước.

Bước 2: Bạn lấy dao gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, giữ lại phần cùi trắng của quả bưởi rồi cắt hạt lựu. Sau đó bạn trộn đều với muối và bóp nhẹ tay, không để nát vỏ trong khoảng vài phút rồi xả qua nước lạnh cho sạch muối rồi vắt ráo nước và cho vào rổ. Bạn làm như vậy khoảng hai lần, nếu thấy cùi bưởi hết đắng và the là được, nếu vẫn chưa hết đắng bạn có thể luộc cùi bưởi sơ với nước rồi vắt kiệt. Ướp cùi bưởi với một ít đường khoảng 1 tiếng.

Bước 3: Bây giờ bạn hãy cho bưởi vào bát lớn và lăn khô cùi bưởi đã ướp đường với bột năng. Lớp áo bột năng sẽ giúp phần cùi bưởi giòn dai rất ngon và khi nấu cùi bưởi sẽ không bị nát.

Bước 4: Bạn đun sôi nước và cho cùi bưởi vào cho đến khi cùi bưởi nổi lên mặt nước thì bạn hãy dùng thìa khuấy nhẹ tay, để cho cùi bưởi chuyển sang màu trắng trong thì vớt ra và ngâm trong nước lạnh khoảng 15 phút và vớt ra rổ cho ráo nước (nếu có nước đá thì càng tốt nhé như vậy cùi bưởi sẽ mau cứng và giòn hơn).

Bước 5: Đun sôi một nồi nước khác, cho đường và khuấy tan ( tùy sở thích ăn ngọt của bạn). Sau đó cho đậu xanh vào đun khoảng 10 phút để đậu vừa chín tới là được.

Bước 6: Bạn hòa bột năng với nước rồi đổ từ từ vào nồi, vừa đổ vừa khuấy đều cho đến khi nước chè bắt đầu sánh lại là được đừng đặc quá nhé. Bây giờ bạn cho cùi bưởi vào, khuấy đều với lửa nhỏ. Bạn có thể cho hoa bưởi hay vani vào để tạo mùi thơm cho chè. Đợi chè sôi lên thì bạn tắt bếp.

Vậy là chúng ta đã có món chè bưởi thơm ngon rồi đấy, bạn có thể ăn cùng với nước cốt dừa sẽ ngon hơn. Hãy nấu món này đãi cả nhà nhé!

Tự làm kimbap cá ngừ tại nhà thơm ngon

Chắc hẳn các teen nhà ta ai cũng đã từng ăn món kimbap Hàn Quốc. Kimbap có thành phần chính là cơm, được cuộn lại bởi lá rong biển ở ngoài và bên trong thường có trứng, dưa leo, … Cách làm kimbap cá ngừ rất đơn giản và không mất nhiều thời gian, để thực hiện thành công món kimbap cuộn cá ngừ, với các bạn một vài chiêu nhỏ về hướng dẫn cách làm kimbap này giúp món ăn tăng thêm phần hấp dẫn.

Cách làm kimbap cá ngừ thơm ngon


1. Nửa bát gạo nấu cơm, dùng loại gạo hạt ngắn. Cơm để làm món kimbap nấu không nên quá khô, cũng không quá nhão, vừa đủ để các hạt cơm không dính bết lại với nhau. Sau khi nấu cơm chín, bạn để cơm nguội rồi trộn đều cơm với dầu vừng và chút muối.

2 Cà rốt: gọt vỏ, cắt sợi dài, nhỏ. Đun sôi nước với ít muối, cho cà rốt đã cắt sợi vào trần qua khoảng 1 phút thì vớt ra. Dưa leo: rửa sạch, cắt sợi dài như cà rốt.

3. Đập trứng gà vào bát rồi đánh cho nhuyễn. Sau đó mình chiên trứng hai mặt cho vàng đều, các bạn nhớ dùng chảo chống dính để trứng chiên mỏng đẹp, không bị rách. Để trứng vừa chiên nguội rồi cắt thành những sợi dài sắp ra đĩa.

4. Không thể thiếu cá ngừ được nhé. Chúng ta mở hộp và cho hết phần cá ngừ ngâm dầu vào chén, đánh cho nát, trông như là nước sốt cá ngừ vậy đó.

5. Trải tấm tre lên mặt thớt, đặt một tấm lá rong biển lên trên tấm tre. Lưu ý, để mặt ráp của lá ngửa lên trên, mặt nhẵn ở dưới bởi mặt ráp sẽ giúp cơm dính chắc hơn vào lá rong biển. Trải đều cơm 1 lớp đều đến hết khoảng 2/3 lá, chừa một đoạn đầu tiên, không nên rải lớp cơm quá dày bởi khi cuộn kimbap sẽ quá to không đẹp. Bạn lưu ý, trên lá rong biển có những vạch ngang song song, bạn dùng những vạch này để làm mốc giới hạn giúp trét cơm cho thẳng.

6. Sau khi rải cơm xong, xếp từng sợi nguyên liệu đã thái chỉ lên trên, dàn cho hết chiều ngang của tấm lá rong biển. Cuộn chặt tay để nguyên liệu không bị xô dịch. Sau đó dùng dao sắc cắt nhẹ nhàng thành từng khúc ngắn cho vừa miếng ăn.

Cuối cùng chúng mình pha thêm nước chấm mayonnaise bằng cách cho thêm tí tương ớt vào, trộn đều lên sẽ dùng chung với món kimbap này sẽ rất ngon. Các bạn có thể thực hiện cách làm kimbap cá ngừ cho các chuyến đi du lịch xa vào dịp cuối tuần rồi đó, vừa ngon vừa tiện lợi phải không các bạn

Chúc các bạn thực hiện thành công với cách làm kimbap mà wiki đã chia sẻ.

Quán phở chua Lạng Sơn ở Sài Gòn

Nhiều thực khách đến đây vì quá thích loại nước sốt có màu nâu vàng, sền sệt, mang đến vị chua cho món ăn.

Tô phở chua có màu nâu vàng của sốt chua, đỏ của sốt ớt. 

Một tô phở chua có 3 tầng. Tầng dưới cùng là rau, gồm dưa leo, rau muống, húng quế. Tầng giữa là những cọng bánh phở nguội (phở không được trụng qua nước sôi như các loại phở khác).

Tóp mỡ sa tế. 

Tầng trên cùng của tô phở có thịt gà xé, tim, bao tử, lưỡi heo luộc, hành phi, đậu phộng, đu đủ ngâm chua ngọt, bánh tôm. Nổi bật nhất là loại nước sốt có màu vàng nâu, sền sệt - thành phần quan trọng nhất của món ăn. Mỗi tô có giá 40.000 đồng.

Tùy sở thích, khẩu vị, mỗi người sẽ có cách ăn khác nhau. Bạn có thể thử cách đảo đều tô sao cho nước sốt nâu vàng bám đều các thành phần, thêm ít tóp mỡ sa tế.

Thỉnh thoảng, bạn nhấm nháp nước dùng để vị chua của sốt, thanh của rau, giòn của các nguyên liệu được thanh lọc, mang đến cảm giác tươi mới cho món ăn.

Đừng quên trộn đều tất cả thành phần để cảm nhận vị ngon của món ăn. 

Quán bán từ 15h30-19h, đóng cửa vào thứ hai hàng tuần. Quán có địa chỉ ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP HCM). Hướng đi nhanh nhất là đi vào hẻm 82 đường Bàn Cờ (quận 3). Quán nằm gần cuối hẻm.

Theo Zing

Những quán ăn vặt vĩa hè đông khách ở Sài Gòn

Bí quyết riêng trong chế biến, nêm nếm hay phối gia vị là yếu tố chính để nhiều hàng quán chưa bao giờ vắng bóng khách.

1. Tàu hũ đá, bò bía Trương Định (ngã 4 Lê Thánh Tôn - Trương Định, quận 1): Quán bên lề đường, khá dễ tìm, bày những chiếc ghế nhựa nhỏ. Tàu hũ được đựng trong chiếc ly nhựa, tiện lợi và gọn gàng. Tàu hũ ở đây không có gừng, bột báng như các hàng khác nhưng có hương vị riêng nên luôn đông khách.

Đậu hũ đá của quán chỉ được thêm vị béo của nước cốt dừa.

2. Trà sữa Marie Curie (trước cổng trường Marie Curie, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3): Số lượng học sinh xếp hàng khi tan trường chứng minh độ hot của quầy nước này. Ngoài trà sữa, soda tại đây cũng được yêu thích không kém.

3. Bắp nướng mỡ hành (159 Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận): Điểm đặc biệt của xe bắp nướng này là không để nguyên trái bắp mà tách hạt bỏ vào ly, bên trên cho ít mỡ hành, tép mỡ, ruốc, bột ớt tiện cho việc mang đi.

4. Cút chiên bơ (54 Đồng Nai, quận 10) mỗi chiều luôn tấp nập thực khách đến ăn hay mua về. Ngoài kỹ thuật chiên, quán cũng được điểm cộng về rau chua ăn kèm và nước dùng cút đậm đà.

Ngoài cút, quán cũng có món mề cút rất "bắt mồi".

5. Chè vỉa hè Võ Văn Tần (hẻm 241 Võ Văn Tần, quận 3) bán từ 17h30-22h hàng ngày. Quán bán các món chè truyền thống như đậu xanh, đậu đen, khoai môn... nhưng có bí quyết riêng nên thơm, ngon, đặc trưng.

6. Thiên Du Sky Sushi (Trần Hưng Đạo, P. 5, quận 5) được nhiều thực khách đánh giá rẻ, ngon, phục vụ ổn. Tuy nhiên, giá mềm nên các dòng sushi cá hồi, cá ngừ đại dương không được tươi.

7. Gà nướng đường Bùi Thị Xuân (quận 1) chỉ có khoảng 15 chỗ ngồi. Gà nướng ăn kèm với xôi, rau. Gà tươi, kỹ thuật ướp, nướng ổn nhưng nhanh ngán.

8. Há cảo, phá lấu Bò Marie Curie (cổng trường Marie Curie, quận 3): Phá lấu chế biến vừa miệng. Ăn kèm bánh mì hay mì tôm đều ổn. Điểm trừ là người bán vẫn phục vụ hơi chậm.



9. Cá viên chiên đường Lương Hữu Khánh, quận 1 là điểm ăn cá chiên có tiếng của dân văn phòng và học sinh - sinh viên gần đó. Quán chiên bằng dầu mới, có thao tác thấm hút dầu trước khi dọn cho khách nên không bị ngán ngấy. Điểm trừ là do đông khách nên thường tính lộn số lượng (nhiều hơn) xiên, đĩa khách gọi.

10. Súp cua Nhà Thờ Đức Bà (Nguyễn Du, P. Bến Thành, quận 1): Súp nêm nếm vừa miệng. Một chén có cua, trứng, trứng cút, nấm tuyết, nấm mèo, gà. Phần bình thường 15.000 đồng, thêm trứng bắc thảo thì 20.000 đồng.

11. Chút Chít Quán (hẻm 485, đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10) được tín đồ ốc Sài Thành biết đến với châm ngôn "nên gọi điện thoại đặt chỗ trước khi đến". Nếu không có thao tác này, khi đến, bạn sẽ chờ rất lâu mới có bàn. Ốc tươi ngon, pha chế đậm đà. Điểm trừ là hơi cay.

Nếu không ăn được cay, bạn nên báo trước với phục vụ quán Chút Chít.

12. Bánh tráng cuốn trộn Bà Bắc (đường số 11, quận 4): Quán trong hẻm, không gian nhỏ, lúc nào cũng đông khách nên ồn và tất bật. Bánh ngon, nước chấm ổn, phục vụ nhiệt tình tuy nhiên khách đông nên phải chờ hơi lâu.

13. Bánh tráng trộn Chú Viên (đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3) hút thực khách với mùi thơm quyến rũ của các thành phần, nguyên liệu phối được phối theo tỷ lệ riêng. Đây cũng là quầy bánh tráng trộn bán theo số thứ tự duy nhất của Sài Gòn.

14. Hột vịt lộn Kim Thảo (đường Xuân Thủy, quận 2) có bí quyết luộc riêng nên trứng thơm ngon. Đi kèm món trứng có hương thơm nhẹ của thảo dược là nước chấm có vị rất riêng.

Bún riêu Bến Thành.

15. Bún riêu Bến Thành (cổng đường Phan Bội Châu của chợ Bến Thành) bán từ 15h hàng ngày. Mỗi tô giá 35.000-40.000 đồng. Bún riêu ở đây không có thành phần đặc biệt nhưng nhiều thực khách sẵn sàng xếp hàng để ăn.

Theo Zing

Quán vịt tuyệt ngon “xả xui” ngày cuối tháng

Vịt hấp, vịt om tiêu hay lẩu vịt om sấu đều là những món “xả xui” ngon tuyệt trong ngày cuối tháng.

Là món ăn bị “tránh như tránh tà” những ngày đầu tháng nhưng đến cuối tháng như thế này, vịt lại là món ăn rất đắt khách bởi người ta quan niệm nó có thể giải đen. Nếu bạn chưa có lịch trình gì cho tối ngày cuối tháng này, hoặc đơn giản chỉ là “bỗng dưng thèm vịt”, quán ăn vịt ngay trung tâm Quận 1 này sẽ là một gợi ý vô cùng thú vị bởi chất lượng đồ ăn ngon và giá cả vô cùng hợp lý.

Nằm trên lầu 1 (người Bắc gọi là tầng 2) trong một ngôi nhà nhỏ toạ lạc nơi con phố Đặng Trần Côn, quán vịt này mới mở chưa lâu, lại thêm địa điểm khó thấy nên lượng khách đến không đông. Tuy nhiên hầu hết những thực khách đã một lần vô tình nhìn thấy và bước chân vào quán, đều sẽ phải “ưng cái bụng” mà muốn tìm đến lần sau.

Quán phục vụ rất nhiều món ngon phổ biến từ vịt như vịt hấp gừng, vịt om sấu, vịt om tiêu, vịt nướng ngũ vị, đồng thời còn có một số món đặc trưng như nem vịt cuốn bánh tráng, gỏi vịt ngó sen, chả vịt. Cách chế biến thiên về phong cách nấu ăn của người miền Bắc nên gia vị được nêm nếm rất thanh, làm dậy rõ vị thịt vịt.

Vì chỉ có 2 người, chúng tôi quyết định thử 3 món trong menu bao gồm: vịt hấp gừng, vịt om tiêu và một đĩa lòng mề vịt xào mướp hương cho đủ tiêu chí “có thịt mà vẫn có rau”.

Món đầu tiên, vịt hấp gừng được dọn lên khá nhanh. Một nửa con vịt được chặt miếng dài, xếp đầy đĩa oval nhìn vô cùng đẹp mắt. Phía cạnh đĩa, nhà hàng còn dọn kèm khá nhiều măng tươi ăn cùng. Vịt hấp luôn là món thể hiện rõ nhất chất lượng vịt của mỗi quán ăn. Thịt vịt ở quán khiến chúng tôi khá hài lòng. Vịt mềm, ngọt thịt, lớp da đầy đặn nhưng không dính tí mỡ nào, khi chấm cùng nước mắm gừng tỏi ăn đậm đà vô cùng, không hề có cảm giác khô hay bở như nhiều nơi khác.

Một nửa con vịt được chặt miếng dài, xếp đầy đĩa oval nhìn vô cùng đẹp mắt. Phía cạnh đĩa, nhà hàng còn dọn kèm khá nhiều măng tươi ăn cùng.

Vịt mềm, ngọt thịt, lớp da đầy đặn nhưng không dính tí mỡ nào, khi chấm cùng nước mắm gừng tỏi ăn đậm đà vô cùng, không hề có cảm giác khô hay bở như nhiều nơi khác.

Món ăn thứ hai là vịt om tiêu, có thể nói là một trong những món đặc sắc được nhiều thực khách lựa chọn nhất khi đến đây. Miếng vịt chặt nhỏ, hầm trong nồi cùng tiêu xanh, cà rốt, khi bưng ra còn nóng nổi, thơm phức. Nước hầm vịt được quán cho thêm pate nên khi ăn cùng bánh mì hoặc bún tươi vô cùng “tốn mồi”.

Vịt om tiêu là một trong những món đặc sắc được nhiều thực khách lựa chọn nhất khi đến đây.

Miếng vịt chặt nhỏ, hầm trong nồi cùng tiêu xanh, cà rốt, khi bưng ra còn nóng nổi, thơm phức.

Nước hầm vịt được quán cho thêm pate nên khi ăn cùng bánh mì hoặc bún tươi vô cùng “tốn mồi”.

Các phần vịt ở đây đều được làm đầy đặn, đặc biệt vịt hấp đã có thêm cả măng, vịt om tiêu thì ăn kèm bánh mì nên với 2 người đã là vừa đủ, ngang dạ. Tuy nhiên, vì “trót” gọi lòng mề vịt xào mướp hương, chúng tôi vẫn quyết định thử tiếp.

Quả là một lựa chọn không hề sai lầm. Món lòng mề vịt xào mướp hương cũng được quán chế biến tuy không có gì đặc sắc hơn những công thức xào bình thường nhưng vẫn lại vô cùng ngon miệng. Lòng mề vịt giòn giòn, ăn cùng mướp xào thơm lừng, nếu kèm bát cơm trắng thì cũng vô cùng đưa cơm.

Lòng mề vịt giòn giòn, ăn cùng mướp xào thơm lừng, nếu kèm bát cơm trắng thì cũng vô cùng đưa cơm.

Với đồ ăn ngon, giá cả chỉ vào khoảng 200-250 nghìn cho 3 món ăn, đây có lẽ sẽ là một quán ăn khá ổn để đưa vào danh sách những hàng vịt không thể bỏ qua ở quận 1.

Theo Khám Phá

Cách làm bánh trộn thơm ngon đơn giản tại nhà

Bánh tráng trộn là món ăn vặt độc quyền Sài Gòn một món ăn quen thuộc của tất cả mọi người, với một chút chua chua của xoài, một chút cay cay của sa tế ớt, cái mặn của muối tôm đi kèm với một ít khô bò, mực xé, trứng cút…Bạn có muốn trổ tài làm ẩm thực không? Cùng tìm hiểu các bước làm món bánh tráng trộn thơm ngon đơn giản tại nhà.

Các bước làm bánh trộn thơm ngon đơn giản tại nhà.



Nguyên liệu:
  • Bánh tráng
  • Xoài xanh
  • Tép khô sấy, bò khô
  • 5 quả trứng chim cút
  • Dầu ăn, sa tế, nước tương, muối ớt Tây Ninh
  • Hành tím khô, hành lá
  • Đậu phộng

Công thức:

Bước 1: Cắt bánh tráng ra thành nhiều đoạn nhỏ, dài ngắn tuỳ thuộc vào sở thích của bạn.

Bước 2: Tiếp theo, dùng bào để bào nhỏ xoài xanh thành từng sợi mỏng, nên chọn xoài chua vừa để tạo độ chua cho món ăn.

Bước 3: Nếu bạn sử dụng tép tươi thì nhớ xào tép để đảm bảo an toàn nhé. Sau đó cho hỗn hợp giữa tép đã xào, bò khô, hành phi, mỡ hành, xoài và bánh tráng vào tô lớn. Nếu bạn thích ăn cay thì cho sa tế và ớt bột hay muối ớt  vào nhé!

Bước 4: Để tạo thêm vị chua, bạn vắt 1/2 quả hạnh(quất) vào hỗn hợp lúc nãy. Cắt một ít rau răm bỏ vào hỗn hợp, rửa sạch tay và trộn đều hỗn hợp này.

Bước 5: Bỏ hỗn hợp đã trộn vào dĩa, cắt trứng cút ra làm 2 để lên trang trí, sau đó cho một ít đậu phộng lên bề mặt. Món ngon đã hoàn thành rồi!

Tang tang! Bạn có thể cho thêm một ít gia vị vào nếu thấy chưa vừa ăn nhé. Chỉ cần làm theo hướng dẫn trên là sẽ có ngay món bánh tráng trộn vừa rẻ vừa ngon rồi! Wiki chúc bạn thành công!

Wikicachlam

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

- Yahoo Support :
- Hotline : 0902.438.169